Skip to: site menu | section menu | main content

English | 中文 | 한국어 | 日本語 | Tiếng Việt

Văn Phòng Luật Moses

Cung cấp những dịch vụ về di trú từ năm 1988

Currently viewing: Văn Phòng Luật Moses » Trang chủ » Bảo lãnh gia đình » Những lỗi khác

Các vấn đề khác về hồ sơ bảo lãnh


Trong bài viết này tôi sẽ giải thích một số lỗi phổ biến thường gặp phải trong các hồ sơ bảo lãnh. Như đã trình bày trước đó, quá trình làm hồ sơ bảo lãnh bao gồm hai bước: 1. xem xét người bảo lãnh có đủ điều kiện để bảo lãnh cho người thân; và 2. xem xét khả năng của người được bảo lãnh có đạt tiêu chuẩn.


i. Thu nhập của người bảo lãnh

Đối với thu nhập cần thiết, đó là tổng thu nhập của người bảo lãnh và vợ/chồng của người bảo lãnh (chỉ được tính khi vợ/chồng của người bảo lãnh là thường trú nhân hoặc công dân Canada). Cần lưu ý rằng cục xuất nhập cảnh đôi khi yêu cầu sự tuân thủ LICO (mức thu nhập tối thiểu) không chỉ vào lúc bắt đầu hồ sơ, mà còn phải duy trì cho tới khi có quyết định cuối cùng; nếu thu nhập của người bảo lãnh bị giảm trong quá trình xử lý hồ sơ bảo lãnh mà bị yêu cầu chứng minh mức thu nhập mới, họ có thể bị từ chối vì không tuân thủ LICO.


Theo Luật Di trú và Quy định Di trú, thực ra LICO không liên quan tới việc bảo lãnh vợ chồng. Tuy nhiên, nếu người bảo lãnh đang nhận hỗ trợ từ cộng đồng, không có khoản tiết kiệm nào hoặc không có thu nhập, cục quản lý xuất nhập cảnh có thể kết luận rằng người được bảo lãnh rồi cũng sẽ xin trợ cấp chính phủ và hỗ trợ từ cộng đồng; trong những trường hợp như vậy, nhân viên nhập cư có thể từ chối hồ sơ bảo lãnh.


Trong một số trường hợp, sở di trú từ chối hồ sơ bảo lãnh mặc dù người bảo lãnh có đủ thu nhập, nhưng người được bảo lãnh cho thấy không đủ kỹ năng để tự chu cấp cho bản thân hoặc bị nghi ngờ sẽ xin trợ cấp hoặc hỗ trợ từ cộng đồng. Hướng dẫn thích hợp từ một luật sư trong những trường hợp như vậy là rất quan trọng để tránh bị từ chối.


Đối với bảo lãnh cha mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ, LICO có liên quan mật thiết. Thêm vào đó, khi tất cả những người được bảo lãnh phải đạt tiêu chuẩn kiểm tra sức khỏe, LICO trở thành yếu tố quan trọng hơn nữa để cân nhắc đánh giá khả năng nhập cư của cha mẹ người bảo lãnh. Thường thì cha mẹ người bảo lãnh ở độ tuổi từ 60 trở lên phải đối mặt với một hoặc nhiều tình trạng bệnh lý. Thông thường tình trạng bệnh có thể không nghiêm trọng nhưng trong một số trường hợp, nó có thể dẫn đến việc bị cấm nhập cảnh do không đáp ứng được yêu cầu về tình trạng sức khỏe. Trong những trường hợp như vậy, kháng cáo thường là cách duy nhất.


Đối với việc bảo lãnh nhiều người, người bảo lãnh thường quên bao gồm tất cả những người trước đây mà họ đã bảo lãnh, và đang trong thời gian thực hiện cam kết hỗ trợ tài chính hoặc đang trong quá trình bảo lãnh. Điều này rất quan trọng để tính toán LICO và để đảm bảo cho một kết quả thành công.


ii. Bảo lãnh theo diện Common law và Conjugal partner

*Common law partner: cặp đôi chưa kết hôn nhưng sống với nhau như vợ chồng ít nhất 1 năm.

*Conjugal partner: cặp đôi có quan hệ tình cảm như vợ chồng ít nhất 1 năm nhưng một người sống ngoài Canada, không thể sống chung vì nhiều lí do ngoài tầm kiểm soát như rào cản nhập cư, lí do tôn giáo hay khuynh hướng tình dục...

Đối với bảo lãnh hôn phu/hôn thê (fiancé), diện này đã bị loại bỏ bởi đạo luật và các quy định bảo vệ người nhập cư và người tị nạn ngày 28 tháng 6 năm 2002. Diện bảo lãnh Conjugal partner mới đã được tạo ra để phù hợp với những người trong diện bảo lãnh hôn phu/hôn thê cũ. Diện bảo lãnh Common law partner cũng được xác định lại. Hồ sơ bảo lãnh Common law hoặc Conjugal Partner sẽ nhận được cùng chế độ ưu tiên như hồ sơ bảo lãnh vợ/chồng. Tuy nhiên, trên thực tế, các trường hợp như vậy có xu hướng phức tạp hơn và nhân viên xét hồ sơ cấp thị thực cũng gặp khá ít các hồ sơ diện này. Bất kể bảo lãnh theo diện nào thì hồ sơ đều liên quan đến việc xem xét vô số các yếu tố, vì vậy nên tham khảo lời khuyên của luật sư trước khi quyết định xem bảo lãnh theo diện nào là phù hợp nhất với người bảo lãnh và người nộp đơn.


iii. Nghĩa vụ của người bảo lãnh

Đối với bảo lãnh nói chung, nên nhớ rằng người bảo lãnh phải ký đơn cam kết hỗ trợ tài chính trong 10 tới 20 năm, trừ trường hợp người được bảo lãnh là vợ/chồng thì cam kết hỗ trợ trong 3 năm. Trước ngày 28 tháng 6 năm 2002, việc cam kết hỗ trợ tài chính cho vợ chồng là 10 năm nhưng khi Đạo luật và Quy định mới có hiệu lực, thời gian đã được giảm xuống còn 3 năm. Nếu mối quan hệ gặp bất cứ trục trặc gì, và điều đó rất quan trọng đối với việc bảo lãnh, thì người bảo lãnh sẽ bị chính phủ đòi lại bất kỳ khoản trợ cấp nào mà người được bảo lãnh nhận được trong 3 hoặc 10 năm của thời hạn bảo lãnh tùy thuộc vào việc đó là vợ/chồng hay thành viên nào khác được bảo lãnh tới Canada. Thông thường người bảo lãnh tin rằng họ có thể được miễn trách nhiệm trong trường hợp quan hệ đổ vỡ; điều này không đúng. Bất kể lý do đổ vỡ mối quan hệ là gì, người bảo lãnh hiếm khi có thể được miễn trừ 3 hoặc 10 năm nghĩa vụ (cũng có trường hợp miễn trừ được áp dụng). Gần đây các tỉnh bang đã gắt gao hơn trong việc thu hồi các khoản trợ cấp được thanh toán theo phúc lợi và các chương trình khác của chính phủ cho người được bảo lãnh mà lẽ ra các khoản đó là nghĩa vụ chu cấp của người bảo lãnh.


iv. Bảo lãnh cho các thành viên khác trong gia đình

Đối với việc bảo lãnh cho những thành viên khác không được liệt kê ở trên, chỉ có vợ/chồng, Common law hoặc Conjugal partner, cha mẹ hoặc ông bà, hoặc trẻ em dưới 19 tuổi mới có thể được bảo lãnh. Trong một số trường hợp, nếu người bảo lãnh không có người thân nào khác ở Canada, họ có thể đủ điều kiện để bảo lãnh cho một người không thuộc các diện nêu trên. Diện này bị đặt tên sai trong tài liệu nhập cư là diện bảo lãnh "last remaining relative" (người họ hàng cuối cùng còn lại) và gây hiểu lầm vì nó không liên quan đến người họ hàng cuối cùng còn lại ở nước ngoài nào cả. Tuy nhiên, sự tuân thủ LICO vẫn là cần thiết. Trong các trường hợp nhận con nuôi, việc tuân thủ luật gia đình cũng có thể được yêu cầu bên cạnh việc việc tuân thủ các yêu cầu trong Đạo luật và các Quy định bảo vệ người nhập cư và người tị nạn.


v. Điều khoản R117-9d: Không tiết lộ người phụ thuộc:

Một vấn đề mà văn phòng của chúng tôi thường gặp phải là trường hợp người nộp đơn vô ý hoặc cố ý bỏ qua việc liệt kê con mình là người phụ thuộc. Đó thường là kết quả của sự tư vấn tồi hoặc sự thiếu hiểu biết về pháp luật. Một người phụ thuộc bị bỏ qua và không được kiểm tra y tế tại thời điểm hồ sơ nhập cư của người nộp đơn được xử lý sẽ dẫn đến việc người nộp đơn sẽ bị cấm bảo lãnh người phụ thuộc trong tương lai.


Một ví dụ phổ biến là trường hợp của một người nộp đơn được bảo lãnh bởi vợ/chồng. Con của người nộp đơn không được liệt kê trong hồ sơ tại thời điểm được bảo lãnh. Sau đó, người nộp đơn sau khi nhập cư vào Canada tìm cách đưa đứa trẻ sang với mình. Hồ sơ bị từ chối theo điều khoản R117-9d, không tiết lộ người phụ thuộc.


Một ví dụ phổ biến khác là trường hợp người nộp đơn đến Canada theo diện skilled worker (lao động tay nghề) và bỏ qua việc đề cập đến cuộc hôn nhân gần đó để tránh sự chậm trễ cho hồ sơ xin nhập cư của mình. Người nộp đơn sau khi nhập cảnh đã cố gắng xin bảo lãnh cho vợ/chồng mới cưới. Đơn xin bị từ chối theo điều khoản R117-9d, không tiết lộ người phụ thuộc.


Có vô số ví dụ về trường hợp người phụ thuộc không được tiết lộ, có thể vì người nộp đơn nhận được tư vấn tồi, không tham khảo lời khuyên từ luật sư, hoặc cố ý quyết định bỏ qua việc đề cập đến người phụ thuộc.


Khá may mắn là có nhiều cách để giải quyết những thiếu sót trong các trường hợp này. Quá trình giải quyết có thể kéo dài và phức tạp và đôi khi khá tốn kém. Đương đơn sẽ không còn lựa chọn nào khác nếu họ muốn tìm cách đoàn tụ với người phụ thuộc của họ. Tất cả những điều có thể tránh được nếu người nộp đơn nhận được lời khuyên thích hợp ngay từ đầu trước khi làm đơn xin nhập cư.



vi. Trường hợp người bảo lãnh đã từng được bảo lãnh tới Canada, quan hôn nhân hệ đổ vỡ và sau đó muốn bảo lãnh vợ/chồng mới:

Một vấn đề phổ biến nữa mà văn phòng của chúng tôi hay thấy là trường hợp thường trú nhân được bảo lãnh tới Canada bởi vợ/chồng mình là một thường trú nhân hoặc công dân Canada, sau đó ly thân, ly hôn và tiếp đó làm hồ sơ bảo lãnh cho vợ/chồng mới hoặc thành viên khác trong gia đình. Trong trường hợp thường trú nhân này (người được bảo lãnh tới Canada) ly thân với người bảo lãnh cho mình ngay sau khi nhập cảnh, người đó sẽ trở thành mục tiêu điều tra khai báo gian dối khi họ bảo lãnh vợ/chồng mới hoặc thành viên khác trong gia đình. Thường thì ly thân ngay sau khi đến Canada có thể là kết quả của sự đổ vỡ trong mối quan hệ do bị ngược đãi hoặc mâu thuẫn trong tính cách của người bảo lãnh và người được bảo lãnh không rõ ràng cho tới khi họ bắt đầu sống chung với nhau. Tuy nhiên, sở di trú không biết điều này, và kết quả họ tiến hành điều tra khai báo gian dối khi người nhập cư bị cáo buộc là chưa bao giờ có ý định sống với người bảo lãnh như vợ/chồng và như vậy cuộc hôn nhân là giả mạo vào thời điểm người được bảo lãnh nhận được giấy tờ nhập cảnh. Trong những trường hợp này, không chỉ có sự chậm trễ kéo dài quá trình xét hồ sơ bảo lãnh vợ chồng, mà tư cách thường trú của người bảo lãnh cũng sẽ bị điều tra, và người đó có thể phải đối mặt với quyết định hủy bỏ tư cách thường trú của chính mình.

Một tình huống tương tự liên quan đến việc bị điều tra tư cách thường trú của người bảo lãnh khi người được bảo lãnh (nay là người bảo lãnh) không bảo lãnh cho vợ/chồng mới mà là thành viên trong gia đình, chẳng hạn như cha/mẹ. Trên thực tế, trong trường hợp người được bảo lãnh ngay sau khi được ly thân với người bảo lãnh và tiếp đó ly hôn, sở di trú có thể điều tra về tư cách thường trú của người được bảo lãnh khi người đó làm đơn xin gia hạn thẻ PR hoặc xin vào quốc tịch.



Tất cả những vấn đề phổ biến này đều có thể tránh được nhờ tham khảo tư vấn thích hợp của luật sư di trú có kinh nghiệm ngay từ đầu trước khi người nộp đơn nộp đơn xin nhập cư.



vii. Tính xác thực của hôn nhân:

Gần đây, sở di trú đã ngày càng tập trung nhiều vào tính xác thực của hôn nhân cần phải được kiểm chứng bởi những bằng chứng về mối quan hệ trước khi kết hôn. Trong trường hợp thời gian mối quan hệ quá ngắn và hầu hết các bằng chứng là sau khi kết hôn, sở di trú có thể chất vấn về tính xác thực của cuộc hôn nhân. Bộ phận kháng cáo xuất nhập cảnh cũng sử dụng phương pháp này và do đó rất khó để kháng cáo những quyết định từ chối hồ sơ ngoại trừ hồ sơ diện nhân đạo. Thậm chí sau đó, những trường hợp này có thể gặp khó khăn trong việc kháng cáo thành công. Thật không may trong các trường hợp này, các cặp vợ chồng chỉ tìm kiếm lời khuyên khi sở di trú chất vấn họ. Các cặp vợ chồng nên bắt đầu tham khảo tư vấn thích hợp từ luật sư di trú giàu kinh nghiệm, ngay cả trước khi kết hôn, và đặc biệt là trước khi người bảo lãnh nộp đơn xin cho vợ/chồng mình nhập cư vào Canada.



Lưu ý cuối cùng:

Cục quản lý xuất nhập cảnh đã trở nên nghiêm ngặt hơn trong việc áp dụng các quy tắc và quy định bảo lãnh. Như thường lệ, người nhập cư tiềm năng và người bảo lãnh của mình, nên tham khảo tư vấn pháp lý hợp lý và trung thực để người nhập cư tiềm năng không mất cơ hội tới Canada.